maintop

Truyện cổ tích Nhật bản-Phần Fukushima

Hồng Ngâm
Japanese English French chinese

Ngày xửa ngày xưa, từ xa xưa lắm rồi, có một đôi vợ chồng già sống với nhau và họ không có con. Cả hai đều yêu thích rượu và đặc biệt là họ rất thích uống cùng với nhau. Ngày xưa, người ta thường tự nấu lấy rượu để uống.
Một ngày nọ, bà nói, “Này, ông ơi! Mặc dù chúng ta không có con, nhưng chúng ta cũng nên mua sắm các thứ để năm nay ăn tết cho đàng hoàng hơn, mừng đón xuân cũng mừng chúng ta sống thêm một tuổi. Ông hãy xuống phố Koarai khu Kitakata mua các thứ để tôi làm món cá hồi nhé.”
“Bà nói đúng. Chúng ta sẽ làm một cái tết tươm tất.” Nói rồi ông liền xuống phố để mua sắm các thứ.
Với tâm trạng vui vẻ và mong muốn vợ mình có một cái tết hạnh phúc hơn. Ông mua cá hồi, muối, mực khô và cả tảo bẹ nữa. Ông còn mua được mấy cái chén uống rượu rất đẹp. Trước khi về ông còn qua quán trà uống một chén rượu cho ấm bụng.
Khi ông về đến đầu làng, bỗng ông nghe thấy những âm thanh rất lạ từ bên vệ đường. Tò mò, ông đến gần hơn và phát hiện ra một chú cún bị bỏ rơi.
Ồ, chú cún thật đáng thương, “sao mày lại phải ở đây một mình! Năm hết tết đến rồi, thôi! Về nhà với ông. Đến đây nào! ông sẽ nuôi mày lớn” ông già nói. Ông nhẹ nhàng bế chú cún vào lòng rồi nhanh chân bước về nhà. Tuy nhiên, trên đường về ông lại lo lắng: mai này chú cún lớn lên dần, nó sẽ ăn nhiều hơn và không biết ông có lo được cho nó không. Ông mang nỗi lo đấy suốt dọc đường về. Ông cũng lo bà phản đối việc này. Nhưng chẳng nhẽ bỏ chú cún con đáng thương lại. Không được! Ông phải cứu giúp chú cún.
Trời xẩm tối cũng là lúc ông về đến nhà. Thấy dáng ông từ xa, bà liền chạy ra đón: “ông về rồi đấy à!”
“Vâng, tôi về đây rồi nhưng có việc này.” Ông lo lắng nói.
“Có chuyện gì vậy ông?”
“Việc là thế này, tôi vô tình nhìn thấy chú cún này bị bỏ lại bên vệ đường, nó đáng thương quá nên tôi đã mang nó về đây” ông đưa chú cún về phía bà.
“Ồ, ông tìm đâu được chú cún này! Nào, để tôi xem. Chú cún con thật dễ thương. Nhà chúng ta không có trẻ con, vì vậy chúng ta sẽ nuôi chú cún này. Chúng ta đủ sức nuôi và chăm sóc cho nó mà. Ông yên tâm! Thôi ông đưa nó vào nhà nhanh lên.”
“Thật không? Ồ, tôi rất vui vì bà cũng nghĩ như vậy,” ông trả lời. Họ lấy cơm cho nó ăn, chú cún đang rất đói nên ăn hết veo. Chỉ mấy ngày sau chú cún đã phục hồi sức khỏe, trông chú chạy lon ton trong nhà thật đáng yêu. Họ đặt tên chú cún là Cô rô.
Ngày tháng trôi đi, Cô rô lớn lên cùng sự chăm sóc và tình yêu của vợ chồng già. Khi ông đi sang nhà hàng xóm, Cô rô lon ton đi theo, khi bà có việc đi ra ngoài, Cô rô cũng quấn theo chân bà. Cô rô đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống ông bà, không khí trong nhà thật vui từ khi có Cô rô.
Tuy nhiên, mùa hè năm ấy, một bệnh dịch quái ác xuất hiện trong vùng. Và Cô rô chết. “Tại sao Cô rô lại chết? Sao không để tôi chết thay cho Cô rô!” hai Ông bà khóc thương chú cún nhiều lắm nhưng cũng không thể thay đổi sự thật: bệnh dịch đã cướp mất cún con Cô rô rồi.
“Này bà, chúng ta phải mai táng cho Cô rô để hàng ngày còn thăm non phần mộ cún con chứ. Hãy chôn cún con ở góc vườn” Ông đề nghị. Ông bà đã mai táng cún con cẩn thận và ra thăm mộ cún con hàng ngày. Một thời gian sau, bỗng có một cây Hồng mọc lên ngay cạnh đấy.
“Này bà, nhìn cây Hồng mà xem, phải chăng đấy là linh hồn Cún con hiện về”. Nghĩ vậy nên Ông bà chăm sóc cây Hồng rất cẩn thận, hằng ngày tưới tắm, bón phân, chẳng mấy chốc cây Hồng đã cao hơn đầu người và có trái chín bói.
“Nhìn kìa, trái Hồng đã chín rồi, đấy là món quà cún con gửi tặng chúng ta”. Hai cụ cẩn thận hái trái Hồng to, đầy đặn rửa sạch rồi mang vào nhà thưởng thức. Tuy nhiên, quả Hồng lại rất chua.
“Này bà, Nếu Cún con đã mang cây Hồng đến cho chúng ta thì cún cũng sẽ làm cho những trái Hồng này trở thành Hồng ngọt. Chúng ta hãy chặt bớt những cây cao xung quanh cây Hồng để nó có được nhiều ánh nắng.” Ông già nói.
“Đúng thế! Chúng ta hãy làm ngay ngày hôm nay.” Bà trả lời. Và mặc dù đã chuẩn bị xong rừu cho ông chặt cây nhưng bà lại nói: “Này ông, Chúng ta nên nói lời tạm biệt với cây bằng cách mời cây mấy chén rượu Shochu*.”
“Đó là một ý rất hay. Bà mang thảm rơm, rượu ra đây” ông trả lời. Hai cụ mang mấy bát rượu gạo bày lên thảm rơm, mời cây uống trước bằng cách tưới lên gốc cây rồi cùng nhau uống cùng với cây.
“Uống đi, ông mời cây. Uống đi, ông mời bà.”
Bà cũng vậy, Bà mời cây, mời ông uống rồi bà uống hết bát rượu trên tay.
Hai cụ uống nhiều quá nên say từ lúc nào không biết rồi ngủ luôn bên gốc cây.
Hôm sau tỉnh dậy ông thấy có một trái Hồng chín quá rụng đúng vào một bát rượu còn uống dở hôm qua. Ông nói, “Đây là món quà của cún con gửi tặng chúng ta, cho dù chua chúng ta cũng hãy ăn mà không nên đem vứt đi”. Nói rồi ông cắn một miếng thì thật bất ngờ. Nó vô cùng ngọt ngào.
Giống Hồng của hai cụ được nhân lên, trồng nhiều khắp vùng đến tận ngày nay và là một đặc sản của vùng Aizu. Người ta vẫn nói, Hồng Aizu to, ngon, lại được ngâm trong rượu Shochu thì sẽ rất ngọt, ai đã ăn một lần thì không thể nào quên.
* Shochu - một loại rượu được chưng cất từ ​​khoai lang, gạo, kiều mạch, vv

maintop